Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 từ 4,1% dự báo hồi đầu năm xuống còn 3,6% trong tháng 4.
Dự báo mức tăng trưởng tiếp tục giảm trong năm 2022
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố ngày 25/1/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo rằng nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2022, giảm 0,5% so với dự báo vào tháng 10 năm 2021. Đến giữa tháng 4 năm 2022, IMF lại đưa ra mức tăng trưởng thấp hơn, còn 3,6% cho cả năm 2022 và 2023, tăng trưởng trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3% – thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong giai đoạn từ 2004 – 2013 do sự ảnh hưởng sâu rộng của Cuộc xung đột
Ukraine – Nga.
Nguyên nhân làm giảm mức tăng trưởng hiện nay
Đầu năm 2022, phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF Gita Gopinath cho biết: Tăng trưởng sẽ chậm lại khi các nền kinh tế phải vật lộn với các vấn đề về nguồn cung, lạm phát cao hơn, nợ kỷ lục và sự không chắc chắn kéo dài. Bà Gita Gopinath lưu ý: “Các vấn đề về nguồn cung vẫn đang đè nặng lên hoạt động và góp phần làm lạm phát cao hơn”, đồng thời làm tăng thêm áp lực do nhu cầu mạnh và giá thực phẩm và đồ uống tăng cao. Sự lan truyền nhanh chóng của biến thể Omicron đã dẫn đến những hạn chế mới về di chuyển ở nhiều quốc gia và làm gia tăng tình trạng thiếu lao động. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới công bố đầu năm, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trừ Ấn Độ. Trong số đó, Mỹ và Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất. Các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc, chính sách “Zero COVID” đã khiến sức tiêu dùng cá nhân giảm và cùng với cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia này.
Đến giữa tháng 4, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ đạt 3,6% trong năm 2022 và 2023. Bên cạnh những lí do như lạm phát tăng cao và còn dấu hiệu kéo dài, sự khủng hoảng của nền kinh tế Trung Quốc hay các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương thì nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do diễn biến mới của Cuộc xung đột Ukraina- Nga. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF đã nêu ra 3 lí do giải thích như vậy. “Cuộc xung đột tại Ukraine là diễn biến mới nhất trong chuỗi cú sốc nguồn cung đã làm nền kinh tế toàn cầu điêu đứng trong những năm gần đây. Giống như sóng địa chấn, ảnh hưởng của nó sẽ lan truyền sâu rộng thông qua thị trường hàng hóa, liên kết thương mại và tài chính”, ông Pierre Olivier Gourinchas nhấn mạnh. Theo IMF, sự đứt gãy nguồn cung nhiều loại hàng hóa quan trọng như nông sản, nhiên liệu, kim loại từ Nga và Ukraine sẽ khiến giá cả liên tục tăng mạnh. Tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7%, còn các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với dự báo đưa ra trước đó. Các quốc gia châu Âu và các thị trường mới nổi, được coi là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương hơn cả.
Theo IMF, hiện tại, chỉ 4% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ so với 70% ở các nước thu nhập cao. Vẫn còn nhu cầu “khẩn cấp” để thu hẹp khoảng cách tài trợ 23,4 tỷ USD của Dự án Tăng tốc Tiếp cận Công cụ COVID-19 (ACT Accelerator), một nền tảng quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu và khuyến khích chuyển giao công nghệ để giúp đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa về sản xuất toàn cầu các công cụ y tế thiết yếu, đặc biệt là ở châu Phi. Ở cấp quốc gia, các chính sách cần được duy trì phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia, bao gồm mức độ kích thích, áp lực lạm phát tiềm ẩn và không gian chính sách sẵn có.
Tình hình tăng trưởng của Việt Nam
Trước tình hình khó khăn chung của thế giới, Việt Nam vẫn là một điểm đến khá an toàn. IMF dự báo năm 2022, GDP Việt Nam có thể tăng 6,05% so với năm 2021 nhờ vào việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và nỗ lực đưa nền kinh tế vào trạng thái “bình thường mới”. Đặc biệt, đến năm 2023, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 7,25%.
Năm 2022, Việt Nam được dự báo tăng trưởng GDP cao hơn Singapore và Thái Lan gấp gần 2 lần. Và từ 2023 – 2027, tăng trưởng GDP Việt Nam được đánh giá cao hơn hẳn so với các nước trong nhóm ASEAN-6.