Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, đồng thời tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với 14,60 tỷ USD, chiếm 60,2% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm.
Chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế
Số liệu được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố sáng nay (29/12) cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong quý IV/2021 tăng trưởng tích cực ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 6,52% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm 2020 (quý I tăng 6,44%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 4,4%; quý IV tăng 6,52%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với mức tăng 6,37% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,35%; quý III giảm 4,09%; quý IV tăng 7,96%), đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Đề cập đến lý do để ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (TCTK) cho biết có 4 nhóm nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19. Đặc biệt, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ đã được thực hiện đồng bộ tại các địa phương trên cả nước, góp phần giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, trong tháng 10, khi Nghị quyết được ban hành, IIP và ngành chế biến, chế tạo có dấu hiệu phục hồi. Bước sáng tháng 11, 12, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá, lần lượt là 8,6% và 10,9%.
Thứ hai là nhóm nguyên nhân liên quan đến kim ngạch xuất khẩu tăng cao, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến ngành chế biến, chế tạo. Sản xuất kim loại năm 2021 tăng 22,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, xuất khẩu sắt thép tăng 123,4%; xuất khẩu các sản phẩm từ sắt, thép tăng 29,4%. Ngành sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; nhóm xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,6%.
“Nguyên nhân thứ 3 có thể kể đến là thu hút FDI tăng cao, đặc biệt trong quý IV, cũng là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo”, bà Nga cho biết.
Cụ thể, thu hút FDI cả nước năm 2021 đạt 31,5 tỷ USD, tăng tới 9,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về mức thu hút FDI trong cả năm, đạt trên 18 tỷ USD và chiếm 58,1% tổng vốn đăng ký.
Nguyên nhân cuối cùng đến từ bản thân các doanh nghiệp. Theo đại diện lãnh đạo TCTK, các doanh nghiệp đã chủ động nhiều phương án ứng phó với dịch COVID-19 bằng cách tổ chức sản xuất linh hoạt, phù hợp với điều kiện, diễn biến của dịch trong từng giai đoạn cụ thể. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu nhưng không kịp sản xuất, nhất là doanh nghiệp tại 19 địa phương phía nam, đã linh hoạt dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu cho doanh nghiệp tại tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng một phần sản xuất, xuất khẩu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 tăng 6,4%
Nhờ tiến độ tiêm chủng nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính như: việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách các thủ tục hành chính, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam… đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại, trong đó có hoạt động sản xuất công nghiệp, cụ thể:
Về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp:Quý I/2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 5,03%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (Quý I/2021 tăng 6,44%), đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp: Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp tháng 3 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Tính chung quý I năm 2022, chỉ số IIP tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; ngành khai khoáng tăng 1%.
Chỉ số sản xuất quý I/2022 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ, quặng và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác dầu thô và khí tự nhiên cùng tăng 47,7%; Sản xuất máy móc và thiết bị văn phòng (trừ máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính) tăng 43,7%; Sản xuất máy chuyên dụng khác tăng 28,3%; sản xuất đồ chơi, trò chơi tăng 23,9%; Sản xuất gỗ dán, gỗ lạng, ván ép và ván mỏng khác tăng 22,6%; sản xuất điện dân dụng tăng 27,9%; Chế biến và bảo quản rau quả tăng 13,3%; sản xuất trang phục tăng và may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú) cùng tăng 24,1%…
Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp giảm 17,1%; Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) giảm 16,8%; Sản xuất máy cho ngành dệt, may và da giảm 14,1%; Sản xuất sản phẩm từ plastic và Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic cùng giảm 15,5%; Sản xuất pin và ắc quy giảm 12,8%; Khai thác quặng sắt giảm 13,7%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2022 tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2021 tăng 5,8%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất trang phục tăng 25,5%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 14,2%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 16,7%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 15,2%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,1%…
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2022 tăng 17,7% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2021 tăng 22,5%), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 55,9%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 17,4%; Dệt giảm 12,8%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,4%; Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 12,9%…
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước: Sản xuất kim loại tăng 72,4%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 60,7%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 36,7%; Sản xuất thiết bị điện tăng 36,5%; Sản xuất xe có động cơ tăng 32,6%; Sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 25%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 22,9%…
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp Quý I năm 2022 được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 tiếp tục tăng đạt 54,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng của sản lượng sản xuất, mặt khác ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng đã tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh.