Việc tiên phong trong chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI đã giúp BIENDONG POC ngày càng hoàn thiện hơn trong công tác quản trị điều hành, vận hành khai thác, kiểm soát nội bộ,… và sớm thu về được những thành quả đầu tiên.
Chuyển đổi số (digital transformation/CĐS) đang trở thành xu thế tất yếu trong các doanh nghiệp, tổ chức, xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). So với các lĩnh vực khác, cách tiếp cận chuyển đổi kỹ thuật số của ngành dầu khí mang tính tiến hóa hơn là mang tính cách mạng. Theo các phân tích và số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong giai đoạn 10 năm từ 2016 – 2025, việc triển khai đồng bộ CĐS có thể tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD lợi nhuận cho các công ty dầu khí và đóng góp khoảng 640 tỷ USD cho xã hội. Lợi ích về môi trường bao gồm giảm khí thải – khoảng 1.300 triệu tấn khí CO2, tiết kiệm xấp xỉ 800 triệu gallon nước và tránh tràn dầu tương đương khoảng 230.000 thùng dầu.
Không nằm ngoài xu thế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) luôn áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác và lĩnh vực khâu sau như chế biến, vận chuyển, sản xuất phân bón, sản xuất điện… vì vậy, việc CĐS trong từng đơn vị thành viên là vấn đề được đặt ra cấp thiết. Một trong những đơn vị đi đầu và thu được kết quả cụ thể trong việc thực hiện CĐS là Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC).
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số. (Ảnh: Phòng điều khiển trên Giàn xử lý trung tâm PQP-HT mỏ Hải Thạch)
Tầm nhìn chiến lược
Để chuẩn bị tốt cho CĐS, cần thực hiện theo phương thức từ trên xuống, trong đó người lãnh đạo phải dẫn dắt, chỉ đạo cấp dưới sát sao, giám sát chặt chẽ, mới đạt được kết quả như mong muốn. Nhiệm vụ trước nhất là phải thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống, qua đó hướng mọi nguồn lực của tổ chức vào mục tiêu chung. Từ năm 2018, Ban lãnh đạo BIENDONG POC đã sớm thấy được tầm quan trọng của CĐS trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với đơn vị hoạt động ở lĩnh vực khai thác dầu khí đặc thù, áp dụng công nghệ cao. Với tầm nhìn đó, BIENDONG POC nhanh chóng định hướng trong chiến lược phát triển, phấn đấu trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện CĐS, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải định hướng triển khai công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI, nâng cao hiệu quả khai thác tại mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh.
Năm 2019, BIENDONG POC đã thành lập Nhóm triển khai công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI, nâng cao hiệu quả các mảng vận hành kỹ thuật, khoan và hoàn thiện giếng, tìm kiếm thăm dò – công nghệ mỏ. Việc tiên phong trong CĐS, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 và trí tuệ nhân tạo AI đã giúp BIENDONG POC làm tốt công tác quản trị và kiểm soát nội bộ, giảm giá thành khai thác, vượt chỉ tiêu SXKD và giao nộp tài chính hàng năm, bao gồm cả việc thực hiện tốt chiến dịch dừng giàn bảo dưỡng (TAR) trong điều kiện rất nhiều thách thức và khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong vòng 2 năm trở lại đây.
Để có được thành quả đó, quá trình thực hiện CĐS ở BIENDONG POC hoàn toàn không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến, hiện nay ở Việt Nam đây là lĩnh vực còn quá mới, đặc biệt là trong ngành thăm dò và khai thác dầu khí chưa có chương trình đào tạo CĐS phù hợp, khiến những đơn vị tiên phong như BIENDONG POC không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Thứ 2, kỹ sư dầu khí chưa được đào tạo nhiều về lĩnh vực này, vì vậy việc thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên trách về CĐS là điều không tránh khỏi. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác CĐS chưa được đầu tư, nhìn nhận một cách đúng mực, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải chủ động sáng tạo, tự đào tạo, đi tắt đón đầu.
TS. Ngô Hữu Hải – Tổng giám đốc BIENDONG POC chia sẻ về CĐS trong chương trình Tọa đàm Chìa khóa thành công của doanh nghiệp.
“Phải xác định chi phí vào CĐS là chi phí đầu tư rất có lợi về lâu dài chứ không phải chi phí tiêu hao, vì thế cần phải xây dựng chiến lược dài hạn, phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh để chúng ta tạo ra sự thay đổi, cạnh tranh tốt. Đó là động lực phát triển vượt bậc trong tương lai” – Tiến sĩ Ngô Hữu Hải – Tổng giám đốc BIENDONG POC cho biết.
Bằng kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, theo lãnh đạo BIENDONG POC, để CĐS thành công, việc đầu tiên phải làm là thay đổi tư duy, nhận thức cho toàn thể người lao động. Muốn làm được như vậy, phải chỉ ra được những lợi ích của CĐS bằng thực tế. CĐS chưa có tiền lệ nên phải lấy tầm nhìn chiến lược thay thế cho kinh nghiệm. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng lộ trình dài hạn, cách làm phù hợp nhưng phải bám sát thực tiễn. Trưởng dự án CĐS tốt nhất phải là người đứng đầu đơn vị, để thuận lợi trong công tác định hướng, ra quyết định và chịu trách nhiệm. Kế đến, việc xây dựng lộ trình CĐS phải đi từ thấp tới cao, từ đơn giản đến phức tạp; việc gì dễ lan tỏa nhiều, hiệu quả cao thì làm trước; phức tạp, chi phí lớn làm sau. Ngoài ra, cần phải lập đội quân “nòng cốt” để thực hiện CĐS.
Như vậy, sau 4 năm thai nghén và hình thành chương trình CĐS, BIENDONG POC đã bắt đầu thu về được những trái ngọt đầu tiên.
Đúc kết thành công
Trong công tác quản trị nội bộ, khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ập đến vào tháng 5/2021 vừa qua, tập thể BIENDONG POC đã trải qua gần 1 năm làm việc tại nhà, tuy nhiên mọi hoạt động SXKD vẫn đảm bảo liên tục, hiệu quả vì tất cả mọi công việc đều được xử lý trên nền tảng số E-Approve, E-Signing, Microsoft Ofice 365, hội trường ảo, văn phòng không giấy… Công cụ E-signing đã giúp BIENDONG POC giải quyết được rất nhiều thủ tục về mặt giấy tờ, từ việc đơn giản nhất là chấm công cho đến phê duyệt đấu thầu, thanh toán. Các tọa đàm, hội nghị cũng được tổ chức thường xuyên hơn và online 100% vừa đơn giản hóa công tác chuẩn bị vừa mang lại lợi ích cho NLĐ.
Đặc biệt, một trong những dấu ấn của BIENDONG POC trong những năm gần đây là đã ứng dụng thành công CĐS, tự động hoá nâng cao và quản trị mỏ dầu khí thông minh, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác mỏ khí condensate Hải Thạch – Mộc Tinh lô 05-2; 05-3. Đây cũng là công trình nghiên cứu đạt giải cao nhất trong 7 công trình đạt giải thưởng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020.
TS. Ngô Hữu Hải cùng nhóm cộng sự nghiên cứu triển khai chương trình CĐS, tự động hoá nâng cao và quản trị mỏ dầu khí thông minh.
Ở đề tài này, nhóm tác giả BIENDONG POC đã nghiên cứu, tạo lập và khai thác nguồn tài nguyên số hóa, thông qua việc thu thập, chuẩn hóa dữ liệu theo thời gian thực, tập trung và áp dụng khoa học dữ liệu, công nghệ tự động hoá vào hệ thống quản trị dầu khí thông minh, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác mỏ.
Thực tiễn chương trình CĐS, tự động hoá nâng cao và quản trị mỏ dầu khí thông minh tại BIENDONG POC đã cung cấp các điều kiện thực tế để áp dụng các thành tựu của CMCN 4.0, rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai cho các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nghiên cứu còn mang tính dẫn dắt và đón đầu cho việc phát triển các nghiên cứu khoa học khác như áp dụng chương trình học máy (Machine Learning), AI vào công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị khai thác, chính xác hóa các mô hình minh giải địa chất, khai thác, tối ưu hóa thiết bị hệ thống xử lý khí condensate, công tác hậu cần, v.v… trong các hoạt động thăm dò, khai thác và vận hành quản trị mỏ dầu khí.
Biểu đồ khai thác, giám sát và vận hành thiết bị công nghệ.
Hiệu quả của đề tài nghiên cứu trên đã được đánh giá chi tiết thông qua việc xác định các cải tiến chính, như nâng cao hiệu suất làm việc, tiết giảm thời gian, chi phí, đảm bảo công tác điều hành và quản trị liên tục, bình thường, thông suốt, đặc biệt là trong các giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Đối với công tác vận hành trên giàn, hầu hết nhiều hạng mục trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài trực tiếp sửa chữa bảo dưỡng, nay đã được thực hiện online thông qua các phần mềm chẩn đoán và sửa chữa từ xa, giúp tiết kiệm chi phí cũng như tăng hệ số làm việc của giàn, trong khi chi phí cho CĐS ít hơn rất nhiều… Việc kiểm soát các máy móc hệ thống công nghệ ngoài giàn khai thác hoàn toàn minh bạch, rõ ràng trên cùng một nền tảng, tốc độ xử lý nhanh hơn, hiệu quả công việc cao hơn và hiệu suất lao động tăng lên trong bối cảnh rất khó khăn nhiều mặt như hiện nay.
Với quyết tâm nhất quán “Đoàn kết một lòng – Biển Đông ngời sáng”, BIENDONG POC đã sẵn sàng bước vào giai đoạn bình thường mới và trên đà thực hiện lộ trình, chiến lược phát triển CĐS giai đoạn 1 đến năm 2023, giai đoạn 2 đến 2025. Trong thời gian tới, BIENDONG POC sẽ tiếp tục tập trung các kế hoạch, phát huy các giải pháp đột phá hơn nữa để nâng cao hiệu quả của CĐS trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, sức cạnh tranh phù hợp với môi trường kinh tế số trong tương lai..
Theo Cổng Thông Tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam