Thị trường xây dựng công nghiệp biến động, nhiều nhà thầu đưa ra báo giá sát sàn hoặc dưới mức giá sàn. Những tưởng như thế là có thể tối ưu dự án với mức budget thấp, nhưng cuối cùng người thiệt thòi nhất lại là nhà đầu tư.
Những thủ thuật hô biến chi phí
Lược bỏ hạng mục để giảm budget
Trong quá trình làm thầu, một số hạng mục nhỏ rất dễ bị bỏ qua hoặc bị cắt giảm tối đa để nhà thầu có thể hạ thấp budget.
Dự án C nổi danh trong ngành dệt may, đã chọn nhà thầu xây dựng nhà máy, nhà xưởng với mức giá thầu tối ưu, thấp đáng kể so với thị trường. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khi dự án được triển khai họ mới tá hỏa nhận ra nhà thầu báo giá xây dựng nhà máy ban đầu thiếu gần như toàn bộ khối lượng tường xây. Chi phí không đủ để thi công tiếp khiến nhà thầu buộc phải đề nghị gói phát sinh. Nếu chủ đầu tư không đồng ý thì nhà thầu chây ì, tuyên bố “vỡ trận”, ngừng thi công, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình, làm chậm kế hoạch sản xuất của nhà máy. Trường hợp này, nhà đầu tư cũng rất khó để mời nhà thầu khác vào thi công tiếp, vì liên quan đến rất nhiều vấn đề và thủ tục lằng nhằng khác.
Ảnh minh họa
Hay như dự án nhà máy của tập đoàn Y, những tưởng chọn được nhà thầu tiết kiệm chi phí xây dựng gần 10% so với các nhà thầu khác, nhưng sau lần thanh toán tạm ứng đầu tiên, nhà thầu gửi đề nghị phát sinh 15% so với kế hoạch tài chính dự kiến, với nguyên nhân biến động thị trường vật liệu xây dựng. Nếu nhà đầu tư không đồng ý thì nhà thầu cũng dừng thi công.
Nhà máy bao bì J (Bắc Ninh) còn bất ngờ hơn nữa khi phát hiện ra gói chào thầu chưa đề cập đến hạng mục xin giấy phép xây dựng. Vậy là không chỉ phát sinh chi phí, nhà đầu tư còn có thể gặp rắc rối hành chính vì thi công khi chưa có giấy phép!
Thay đổi vật liệu, thiết bị trong quá trình thi công
Một số dự án có yêu cầu nguyên vật liệu ban đầu không hề thấp, nhưng trong quá trình xây dựng xảy ra hiện tượng nhà thầu thông đồng với tư vấn giám sát, dễ dãi, buông lỏng trong công tác kiểm tra số lượng, chất lượng, chủng loại vật tư – thiết bị khi đưa vào công trình. Vậy là dự án “trăm nghìn tỷ” cũng được hô biến cho tương đương dự án budget thấp!
Một số hạng mục dễ dàng bị đánh tráo nguyên vật liệu, thay đổi chủng loại vật tư, thi công khác với yêu cầu của thiết kế, hạ thấp tiêu chuẩn và các thông số kỹ thuật, mà nhà đầu tư nếu không có chuyên môn xây dựng sẽ rất khó phát hiện ra, ví dụ như dùng loại thép nhỏ hơn, mác bê tông thấp, cắt giảm sắt thép trong cấu kiện bê tông; sử dụng sơn tường và sơn sàn thông thường thay vì loại sơn chống thấm, sơn co giãn phù hợp; sử dụng thương hiệu thiết bị cửa, thang có thông số thấp hơn thiết kế … Bằng cách này, nhà thầu có thể cắt giảm tối đa chi phí cho dự án. Còn chất lượng công trình thì… sau vài năm đi vào vận hành sẽ rõ.
Sử dụng vật tư rời không đảm bảo chất lượng để tôn nền… (Ảnh minh họa)
Hoặc sử dụng bê tông mác thấp,… Những hạng mục này nếu bằng mắt thường, không có chuyên môn, không có tư vấn giám sát uy tín, thì chủ đầu tư rất khó phát hiện ra. (Ảnh minh họa)
Mạo hiểm các giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí thi công
Dựa trên kinh nghiệm thực tế thi công, nhiều nhà thầu cho rằng một số hạng mục được thiết kế thừa, nên khi thi công có thể bỏ bớt các yêu cầu so với thiết kế mà không làm giảm nhiều hệ số an toàn công trình, đồng thời có thể tiết kiệm đáng kể chi phí thi công.
Phần móng cọc là một trong những hạng mục dễ “làm xiếc” nhất, bởi giá trị lớn và khó bị phát hiện sau khi đã hoàn thành. (Ảnh minh họa)
Ví dụ tiêu biểu nhất chính là phần thi công móng cọc. Về lý thuyết, người ta phải đặt rọ thép đến đáy, theo suốt chiều dài cọc, để đảm bảo các hệ số an toàn cho công trình phòng khi có sự cố như động đất, bão, gió… Tuy nhiên, nhiều kỹ sư thi công cho rằng nửa độ sâu phía dưới hầu như không có lực uốn, nên dù thiết kế có yêu cầu đặt tới 50m thép, thì nhà thầu vẫn tin rằng có thể chỉ đặt một nửa khối lượng thép mà không làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình.
Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ, một số nhà thầu còn rút ngắn quy trình thi công, giảm thời gian chờ kỹ thuật, ví dụ như tiến hành sơn khi độ ẩm tường chưa đạt mức yêu cầu, hoặc bỏ qua lớp sơn lót và trực tiếp sơn màu,… Những biện pháp này có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí ban đầu. Các vấn đề liên quan đến chất lượng công trình thường sẽ không xuất hiện ngay mà phải sau vài năm đi vào vận hành mới bộc lộ những dấu hiệu xuống cấp. Đến lúc đó, nhà thầu đã hết hạn bảo hành và đã nhận đủ tiền thanh toán. Người chịu chi phí sửa chữa, cải tạo, cuối cùng vẫn là chủ đầu tư.
Khi mạo hiểm các giải pháp kỹ thuật để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí, những vấn đề chất lượng xuống cấp, sụt lún, ẩm mốc… thường sau vài năm sử dụng mới xuất hiện. (Ảnh minh họa)
Xem thêm: Báo động tình trạng mất an toàn lao động trong xây dựng
Nhà đầu tư lao đao vì giá
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều cách để “hô biến” chi phí, khiến một dự án đầu tư xây dựng có thể giảm mức đầu tư đến thấp sát sàn, thậm chí dưới mức sàn. Chi phí thấp hơn dự toán quá nhiều, không “vỡ trận” giữa chừng khi đang triển khai dự án, thì cũng phải “ăn” vào chất lượng công trình,… Cuối cùng, nhà đầu tư là người chịu thiệt: bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư nhưng nhận về chất lượng không tương xứng, không đảm bảo độ bền và kết cấu công trình, lún, nứt sau một thời gian sử dụng, kết cấu bao che ngấm nước, thấm dột, gây ẩm mốc kho thành phẩm, sửa chữa liên tục gây gián đoạn sản xuất, chậm tiến độ đơn hàng, phát sinh chi phí từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng …
Thị trường xây dựng loạn giá và sự xuất hiện của các nhà thầu ngân sách thấp đang rung lên hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở các nhà đầu tư phải tỉnh táo hơn, đánh giá đúng năng lực nhà thầu, lựa chọn đối tác tin cậy và quản lý rủi ro hiệu quả trong các dự án xây dựng. Nhà đầu tư nên đánh giá đúng thực tế bài thầu, giá chào thầu tối ưu nhưng không được cắt xén. Việc so sánh nhà thầu chỉ đảm bảo khách quan khi các giải pháp và nguyên vật liệu của các bên tương đương nhau, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, hiệu năng và độ bền của nhà máy.
Ảnh minh họa
PGS,TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), trao đổi với báo Nhân dân ngày 16/5/2024, khuyến cáo các chủ đầu tư trong trường hợp lựa chọn nhà thầu bỏ thầu với giá bất thường, cần phải có những biện pháp kiểm soát nhiều tầng, nếu cứ chiếu theo tiêu chí giá bỏ thầu thì chắc chắn sẽ phải trả giá khi sản phẩm cuối cùng không bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên chủ động cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, để đưa ra bài thầu phù hợp, đánh giá đúng các giải pháp – nguyên vật liệu mà nhà thầu đề xuất, đồng thời đảm bảo tính pháp lý khi nghiệm thu nhà máy theo quy định hiện hành tại Việt Nam.
Một số tên nhân vật, địa điểm… đã được thay đổi theo yêu cầu của nhân vật.
Xem thêm: 3 điều quan trọng cần lưu ý khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam