Ngày 26/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị “ Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016 -2020); Định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021-2025) và năm 2021″.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; KH&ĐT; Tư pháp; NN&PTNT; TN&MT; LĐTB&XH; Ban Kinh tế T.Ư, Ban Dân vận T.Ư; Đảng ủy Khối Cơ quan T.Ư; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư.
Về phía Bộ Xây dựng có: Đồng chí Phạm Hồng Hà – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cùng lãnh đạo các ban, ngành và hơn 200 đại biểu đại diện các đơn vị trong ngành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng công tác năm 2021 và nhiệm kỳ 2021 – 2025: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó định hướng “Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến. Tiếp cận và làm chủ các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghiệp xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao”, Ngành Xây dựng bước vào triển khai các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh tình hình chính trị – xã hội ổn định, lạm phát được kiểm soát. Nhiều giải pháp, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, hiệu quả tích cực. Khu vực xây dựng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá.
Về cơ bản, Ngành đã hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra,tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân 8,5% – 8,7%/năm (mục tiêu trong Kế hoạch 5 năm cả nước là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân từ 8,0 – 8,5%/năm). Tỷ lệ đô thị hóa: ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020 (đạt so với chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm của cả nước 38 – 40%). Tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 ước đạt 103 triệu tấn (đạt 100% kế hoạch); gạch ốp lát đạt 560 triệu m2 (đạt 99,3% kế hoạch); sứ vệ sinh đạt 19 triệu sản phẩm (đạt 90% kế hoạch); kính xây dựng đạt 280 triệu m2 (154,7% kế hoạch); gạch xây nung, gạch không nung đạt 30 tỷ viên (đạt 103% kế hoạch), đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các vấn đề lớn, then chốt, căn cốt để tạo các chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá nổi bật như, hệ thống chính sách, pháp luật về xây dựng đã tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ và đồng bộ với các pháp luật liên quan; đủ sức điều chỉnh các hoạt động trong thực tiễn và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đang tổ chức triển khai có kết quả các đề án: Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng, Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đổi mới lý luận, phương pháp quy hoạch và phát triển đô thị; Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Đây là các đề án có tính quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của toàn xã hội và của từng công trình, dự án đầu tư xây dựng; góp phần phòng chống tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động đầu tư xây dựng; góp phần hoàn thiện thị trường xây dựng theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày báo cáo tại Hội nghị.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và các dự thảo báo cáo chính trị, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, ngành Xây dựng dự kiến xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Ngành 5 năm 2021-2025 với các mục tiêu:
Phát triển ngành Xây dựng theo hướng hiện đại, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và dựa trên cơ sở nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, tận dụng tốt nhất cơ hội phát triển của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chủ động hội nhập quốc tế. Đủ năng lực thiết kế và thi công các công trình với mọi quy mô trong tất cả các lĩnh vực đáp ứng theo yêu cầu phát triển của đất nước, mở rộng thị trường xây dựng của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng theo hướng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường, có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước, tăng cường xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới.
Ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế; gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn và vùng thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai.
Gắn kết phát triển ngành Xây dựng với củng cố quốc phòng, an ninh, với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng bộ máy ngành Xây dựng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tăng cường phân công, phân cấp một cách hợp lý, bảo đảm sự quản lý thống nhất, chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương, phát huy sự chủ động, sáng tạo của địa phương.
Tập trung đào tao, phát triển nhân lực ngành Xây dựng đáp ứng yêu cầu mới, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động, tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong toàn ngành Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.
Trước những định hướng phát triển trong những năm tới của Ngành, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chia sẻ, Bộ Xây dựng là một trong những thành viên của Ban chỉ đạo trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Bộ đã đổi mới hoàn thành công tác rà soát hoàn chỉnh quy hoạch, bổ sung kiến trúc, định dạng quy hoạch rõ ràng phân theo khu, đến nay 62% số xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, kiến nghị Bộ Xây dựng cùng Bộ NN&PTNT, Bộ NN&PTNT kết hợp cùng rà soát, đánh giá chương trình về nhà tránh lũ, chống ngập và chương trình nước sạch thành một Dự án trình Thủ tướng Chính phủ.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Về nội hàm quản lý xây dựng đều liên quan đến môi trường, như hạ tầng, chất thải rắn sinh hoạt, nước thải, đặc biệt hoạt động xây dựng tác động rất lớn đến môi trường như khai thác sử dụng các vật liệu xây dựng cát, sỏi…Thời gian tới, ngành Xây dựng cần bổ sung những chính sách về kinh tế tuần hoàn tập trung tái chế tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn. Đặc biệt sử dụng chất thải rắn làm nhiên liệu đốt trong các nhà máy xi măng.
Về Quy hoach, thiết kế trong không gian đa chiều chú ý mục tiêu đảm bảo môi trường và các yếu tố biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và đất đai để tạo ra một hệ thống hài hòa bền vững đem lại không gian, chất lượng sống cho con người.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng H
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, xác định rõ định hướng của ngành Xây dựng giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực ngành Xây dựng, bảo đảm đủ sức thiết kế, thi công các công trình xây dựng hiện đại, phức tạp trong các lĩnh vực với mọi quy mô và có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra nước ngoài.
Do dó, ngành Xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế coi đây là một công tác then chốt, xuyên suốt, đột phá để Ngành phát trrển đúng hướng, mạnh mẽ hơn, từ đô thị đến xuất khẩu xây dựng.
Về cơ chế quản lý nước sạch, hiện nay nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị được giao cho 2 Bộ quản lý (Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng). Vậy thể chế nào để ngành Xây dựng phát triển là câu hỏi lớn mà Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố phải tập trung tháo gỡ, tránh tình trạng “nóng đâu, phủi đó”.
Nước ta là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Việc bảo đảm an toàn về nhà ở cho người dân là yêu cầu cấp bách. Bộ Xây dựng chủ trì cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có những chính sách phương pháp nghiên cứu khoa học thực hiện công việc trên. Bên cạnh, cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về triển khai xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để chống lãng phí.
Về chủ trương thay thế cát xây dựng, sử dụng tro xỉ các nhà máy, cần nghiên cứu vật liệu xây dựng thay thế khi tình hình sạt lở lòng sông, thiếu cát đang xảy ra nghiêm trọng. Hướng tới phát triển vật liệu xây dựng, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường phải cần có những sản phẩm đa dạng, chất lượng. Hạn chế tối đa việc xuất khẩu vật liệu xây dựng, sử dụng tài nguyên không có khả năng tái tạo như xi măng.
Phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, có bản sắc văn hóa và kiến trúc dân tộc cần xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh tạo nên các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trong 5 năm tới 2021-2025, ngành Xây dựng hãy khơi dậy trong mình lòng tự hào, khát vọng cống hiến, hòa chung với khát vọng phát triển cháy bỏng của dân tộc.
Các đại biểu dự Hội nghị “ Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 – 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021-2025 và năm 2021.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương về dự và chỉ đạo Hội nghị. Đây là sự quan tâm động viên cổ vũ rất lớn đối với ngành Xây dựng. Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các đồng chí để chỉnh sửa bổ sung hoàn thiện báo cáo tổng kết và phương hướng nhiệm kỳ tới.
Ngành Xây dựng hứa với Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, chủ động sáng tạo Ngành sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được giao trong năm 2021 và nhiệm kỳ 2021-2025.